HÀ GIANG

KHÁM PHÁ & TRẢI NGHIỆM

ẨM THỰC

MUA SẮM

HÀNH TRANG

KHÁM PHÁ & TRẢI NGHIỆM

1. Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây được biết đến là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá. Nếu tới Hà Giang và thử một lần được cầm lái chạy xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Đó như một thử thách lớn với những người yêu thích sự mạo hiểm.
Đứng trên cao nhìn ra xa là ngàn lớp xám xịt của núi, trắng xóa huyền ảo của mây, thẳm sâu hun hút của vực. Nơi đây, đặc biệt còn có mỏm đá nhô ra trên đèo Mã Pì Lèng, chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của địa điểm du lịch ở Hà Giang này nói riêng và núi rừng miền biên giới phía bắc nói chung. Ở nơi đây bạn mới thấy mình nhỏ bé biết bao và cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.

2. Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là địa danh không còn xa lạ chút nào đối với tất cả người dân Việt Nam. Nếu đến Hà Giang mà bạn không đến thăm công viên địa chất nổi tiếng trên toàn thế giới này thì quả là một điều quá phí hoài. Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi có cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo và lưu dấu nền văn hóa hết sức độc đáo của các dân tộc H'Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao. Nơi đây cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.

3. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Cách thành phố Hà Giang khoảng 110km, Hoàng Su Phì đẹp rạng ngời bởi những thửa ruộng bậc thang với màu vàng óng của lúa chín. Ruộng bậc thang ở nơi đây còn được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 2012. Nếu lên Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín (tháng 9 – 10), bạn sẽ thấy nơi đây như một tấm thảm trải dải với màu vàng óng của lúa mới.

Nhắc đến ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không thể không nói đến ruộng bậc thang ở hai xã Bản Luốc và Bản Phùng, đây thực sự là một công trình nhân tạo kỳ vỹ khó nơi nào có được. Những thửa ruộng bậc thang nhìn từ dưới lên như những đồng bạc trắng được xếp tầng. Bà con người Nùng, Dao, La Chí sinh sống giữa những cánh đồng “treo” trên lưng chừng núi, trồng lúa nước và cả lúa nương vào mùa khô.

4. Dốc Bắc Sum
Dốc Bắc Sum bắt đầu từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ) được nhiều người ví như đèo Pha Đin của Hà Giang. Con đường ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc đưa ta đến một miền đất đặc biệt của Hà Giang, vùng đá với khí hậu khác biệt, lạnh hơn dù chỉ cách nhau vài cây số. Từ đây nhìn xuống phía dưới là một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì trong mây, lúc trong nắng.

5. Nhà của Pao
Nếu ai đã từng xem qua bộ phim nhựa phản ánh chân thực đời sống của những người dân tộc Mông “Chuyện của Pao’, thì y như rằng sẽ dễ dàng bị ngôi nhà với những bờ rào đá mộc mạc trong phim hớp hồn. Và thực hay, ngôi nhà ấy lại “chiễm chệ” ngoài đời thực, đó là “nhà của Pao” nằm trong làng văn hóa Lũng Cẩm, thuộc xã Sủng Là, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, nằm trên tuyến quốc lộ 4C, con đường nối liền các thị trấn ở Hà Giang. Từ ngã ba đoạn vừa qua khỏi thị trấn Yên Minh, các bạn rẽ trái, đi qua Phố Cáo sẽ tới ngã ba Sủng Là – Phố Bảng. 

ẨM THỰC

1. Bánh cuốn trứng
Ở dưới xuôi, bánh cuốn thường chỉ có nhân thịt, chấm cùng nước mắm pha ngọt, ăn cùng chả hoặc thêm hành phi. Còn bánh cuốn trứng ở Hà Giang thì đặc biệt hơn. Bột làm bánh được xay từ ngày hôm trước, quấy vào nước để cho lắng hẳn thì bánh mới chắc. Lúc khách gọi thì mới tráng bánh bởi bánh vừa tráng xong ăn mới ngon. Hỗn hợp bột được đổ lên bạt tráng, trải đều, đậy vung hấp cho chín rồi người bán hàng nhanh tay cho thêm một quả trứng lên trên. Tùy khách muốn trứng lòng đào hay trứng chín hẳn mà người bán hàng sẽ lật bánh ra nhanh hay lâu. Có khách muốn “bánh vàng” thay vì “bánh trắng” thì người bán cho hẳn trứng vào đánh cùng hỗn hợp bột rồi tráng như bình thường.
Nước chấm bánh cuốn thì còn đặc biệt hơn nữa. Thay vì là nước mắm pha ngọt dưới xuôi thì nước chấm ở đây là nước hầm xương nhàn nhạt, thêm hành lá và giò ăn kèm. Nếu khách thích mặn hơn thì tự cho thêm gia vị.

2. Thắng dền:
Thắng dền là món bánh nổi tiếng ở Hà Giang được làm từ gạo nếp có nét giống với món bánh trôi tàu. Bánh cũng được nặn thành những viên tròn nhưng bé hơn bánh trôi có nhân đỗ hoặc bánh chay. Bánh được thả vào luộc sau đó vớt ra ăn cùng với nước dùng làm từ đường, dừa, gừng và rắc thêm chút lạc rất ngon. Ăn miếng bánh vào những ngày đông giá rét làm cho những người thưởng thức thêm ấm lòng, mà ăn rồi là nhớ mãi không thôi.

3. Cháo ấu tẩu:
Củ ấu tẩu là một vị thuốc phổ biến của người dân miền núi phía Bắc nhưng ngoài công dụng làm thuốc thì nó còn được dùng để chế biến thức ăn đó là cháo ấu tẩu. Ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu và phụ tử, củ ấu tẩu thường mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh. Theo y học ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Cháo ấu tẩu mới đầu chỉ được dùng như chén cháo giải cảm của người dân tộc H’Mong. Về sau, người dân Hà Giang nêm nếm thêm một số gia vị, phụ gia khác, cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo, tạo thành món cháo “đặc sản” của xứ sở mờ sương, ăn vào cảm giác rất đặc biệt mà không nơi nào có.

4. Phở chua Hà Giang:
Phở chua được bắt nguồn từ các tỉnh Trung Quốc và sau đó được người dân tộc nơi đây chế biến lại thành món đặc sản của người dân vùng núi phía Bắc, đến với Hà Giang phải thưởng thức món ăn này một lần để thưởng thức được tinh túy của ẩm thực nơi đây. Phở chua có vị thanh mát nên phở chua thường được thưởng thức vào mùa hè ở Hà Giang.

5. Bánh tam giác mạch:
Đi du lịch Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch thì không thể không ăn thử một chiếc bánh tam giác mạch. Hoa tam giác mạch nở rộ vào tháng 10 thì tầm 12 là kết hạt. Người dân thu hoạch hạt về, phơi khô, tách vỏ rồi xay tay thành bột mịn. Đây là quá trình thật sự cần sự tỉ mỉ để bột không lợn cợn vỏ còn sót lại. Sau đó họ sẽ đem bột tam giác mạch trộn với bột gạo và đường, nước theo tỉ lệ riêng, đổ vào khuôn rồi xđem hấp. Bánh chín sẽ mềm, dậy mùi hạt thơm nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để bánh được xốp thì cần thêm công đoạn cho bánh lên bếp than, nướng vài phút cho mặt bánh xém vàng.

Lúc này bánh tam giác mạch đã sẵn sàng để du khách tour Hà Giang thưởng thức rồi đấy! Bánh tam giác mạch ngon phải mềm, xốp, hơi hăng mùi đặc trưng của hoa tam giác mạch. Trước đây bánh tam giác mạch chỉ được coi như lương thực của người dân khi mùa vụ này qua, mùa khác chưa tới còn nay loại bánh này đã trở thành đặc sản mà đến Hà Giang là phải thử qua."

MUA SẮM

1. Mật Ong Bạc Hà:
Mật ong bạc hà là loại mật đặc sản chỉ có ở cao nguyên đá. Mật ong bạc hà được hình thành từ việc những chú ong hút mật từ hoa cây bạc hà. Những bông hoa màu nhạt khá đẹp tại vùng cao này. Cây bạc hà ở đây chính là cây có hoa màu tím được mọc dại. Khi bạn đến vùng Hà Giang vào cuối thu đầu đông, bạn sẽ thấy một loại cây hoa tím dại có thân thảo. Cây cao khoảng 40 – 60 cm, nỏ khoảng tháng 10. Hoa sẽ nở rộ vào tháng 11 – 12 dương lịch hằng năm.
Gợi ý địa điểm mua: Mật ong hoa Bạc Hà Hà Giang, Đường Phùng Hưng, P. Trần Phú, Hà Giang

2. Chè Shan tuyết cổ thụ:
Những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi khoảng trên hai, ba trăm năm, mọc rải rác khắp các vùng núi cao trên các huyện vùng cao cao tỉnh Hà Giang như: huyện Đồng Văn; Hoàng Su phì; Yên Minh; Vị Xuyên... Các gốc chè cổ thụ này nằm ở độ cao khoảng 1.800m so với mực nước biển, những rừng chè cổ thụ xanh tốt quanh năm với ba bề là núi bao quanh và mây phủ suốt bốn mùa. Chắt lọc và kết hợp hài hòa tinh khí của trời (ánh nắng mặt trời) và đất (đất đỏ terrarossa) - qua hàng trăm năm, tạo nên những lá chè màu xanh tươi lóng lánh tuyết trắng, chứa đựng bên trong những hương vị đậm đà quyến rũ.
Gợi ý địa điểm mua: Chè shan tuyết Chiến Hảo – KM38 Tấn Xà Phìn ĐT 177, Bản Péo, Hoàng Su Phì, Hà Giang

3. Cam sành:
Cam sành Hà Giang có đặc điểm hình thái nổi bật, có chiều cao từ 2-4m, cây có tán lá tròn. Khung cành dày, nhiều cành tăm, lá nhỏ và bóng. Mật độ trồng cam sành Hà Giang tại từng vườn có sự khác nhau, với mật độ 4x4m, 5x5m hoặc 6x6m. Cây cam sành ra hoa, kết trái phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết của từng khu vực.
Gợi ý địa điểm mua: Công ty cam sạch Hà Giang, Đường Trường Chinh – Huyện Bắc Quang – Tỉnh Hà Giang

4. Thịt gác bếp:
Những miếng thịt trâu, thịt lợn bản lớn được tẩm ướp gia vị kỹ càng rồi gác bếp. Người thưởng thức vừa có thể tận hưởng được chút hương khói bếp đặc trưng, khi cho vào miệng lại vừa ngọt vừa đậm đà không nơi đâu sánh được. Chính vì thế mà khách du lịch đặt chân đến Hà Giang chẳng ai là không tìm đến món thịt ngon hấp dẫn này để mua về làm quà.
Gợi ý địa điểm mua tại Hà Giang : Cindy’s House - Số 04 đường Mai Hắc Đế, tổ 14 Phường Nguyễn Trãi, Hà Giang

Điểm đặc biệt của thịt trâu, thịt lợn gác bếp Hà Giang nằm ở công đoạn tẩm ướp gia vị gừng, ớt, mắc khén – thứ hạt đặc trưng vùng cao vừa thơm vừa nồng. Người ta thường thịt ra, lấy phần bắp để thớ dài, lớn rồi xiên vào que treo lên gác bếp cho khô dần. Thịt trâu có vị dai và đậm hơn vị thịt lợn nên giá thành cũng cao hơn nhiều.

5. Lạp xưởng Hà Giang:
Trong số những đặc sản hấp Hà Giang hấp dẫn nhất là lạp xưởng thơm, dẻo, béo, bùi hấp dẫn du khách. Lạp xưởng nơi đây đượm mùi khói bếp, thoang thoảng hương thơm đặc trưng. Người dân làm lạp xưởng từ thịt lợn mán nửa nạc nửa mỡ. Loại thịt này không chỉ săn chắc mà thưởng thức còn đặc biệt thơm ngon. Quá trình chế biến lạp xưởng tương đối kỳ công. Người ta phải bỏ đi phần bì, băm nhỏ vừa, tẩm ướp các loại gia vị đặc biệt như nước gừng, rượu, nhồi lòng rồi mang đi gác bếp cho khô. Lúc đó họ chỉ cần đợi trên 5 ngày là có thể mang ra thưởng thức.
Gợi ý địa điểm mua: Chợ Mèo Vạc"

HÀNH TRANG

1. Trang phục thể thao, thoải mái:
Hà Giang là một trong những nơi có địa hình hiểm trở, quãng đường đi dài và khó nên khi đi du lịch Hà Giang, trong hành lý của bạn không thể thiếu được những bộ trang phục thể thao, vừa tạo sự khỏe khoắn cũng như sự thoải mái trong quá trình di chuyển. Trang phục được lựa chọn nhiều nhất đó là quần jean, áo phông và giày thể thao.

2. Gói cước ST15K của Viettel:
Gói cước ưu đãi 4G HOT nhất của Viettel chính là hành trang không thể thiếu của bạn khi tới Hà Giang đó! Chỉ với 15.000đ sẽ có ngay 3GB data tốc độ cao để có thể kết nối Internet miễn phí trên di động trong 3 ngày. Với sự đồng hành hữu ích của gói ST15K, bạn sẽ không phải lo lắng về việc lạc đường, mất liên lạc, không kịp ""check-in"" cũng như tình trạng phát sinh cước 4G cao hay phải phụ thuộc vào sóng wifi. Nếu bạn đang có một chuyến đi dài ngày, Viettel cũng cung cấp lựa chọn gói cước ST30K với 7GB data trong 7 ngày (Chỉ 30.000đ).

3. Chuẩn bị áo cờ đỏ sao vàng:
 Áo cờ đỏ sao vàng là một trong những trang phục được du khách khi tới Hà Giang đều có những bức ảnh đẹp nhất khi tới cột cờ Lũng Cú. Nếu bạn lựa chọn hình thức đi du lịch Hà Giang theo hội nhóm hay đi phượt cá nhân, thì đừng quên chuẩn bị cho những trang phục tập thể và màu áo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn là màu áo đẹp nhất, góp phần cho chuyến đi du lịch Hà Giang của bạn thêm phần gắn kết và có nhiều kỷ niệm đẹp gắn với nơi đây.

4. Hộp y tế:
Hà Giang có đường đi khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên rất dễ bị ốm hoặc bị thương. Du khách nên đem theo bông băng, thuốc cảm, thuốc hạ sốt, thuốc xịt côn trùng, chống say xe,... trong hành lý.

5. Đồ vệ sinh cá nhân:
Kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt ,dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm hay dao cạo râu cho nam…

Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Mã số doanh nghiệp: 0100109106-011 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 18/07/2005, sửa đổi lần thứ 15 ngày 18/12/2018 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Cao Anh Sơn

Tải My Viettel rinh ngàn quà tặng

Trụ sở: Số 1 Giang Văn Minh, P Kim Mã, Q Ba Đình. | Chăm sóc khách hàng: 1800 8098/198 (miễn phí)

©2020 Allrights reserved Viettel Telecom